Lộc Hà-Hà Tĩnh: ô nhiễm biển nghiêm trọng do nước thải sinh hoạt của người dân: “Không xả ra đó thực tế không biết cho chảy ra đâu nữa. Bởi đất chật người đông, trong khi đó đất để làm hệ thống xử lý nước thải thì không có. Trước đây, nước thải sinh hoạt được xả theo hệ thống dẫn nước ra cống chạy thẳng ra biển, nhưng từ khi xây dựng kè chắn sóng, người ta đào đất ngăn cho nước mặn vào thì nước bị ứ lại, bốc mùi hôi thối”, bà Nguyễn Thị Tứ, trú xã Thạch Kim chia sẻ.
Lộc Hà-Hà Tĩnh: ô nhiễm biển nghiêm trọng do nước thải sinh hoạt của người dân
Trong những năm qua, hàng ngàn mét khối nước thải sinh hoạt của người dân tại xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) không qua xử lý mà đổ thẳng ra biển gây ô nhiễm nghiêm trọng, nguy cơ ảnh hưởng đến hoạt động du lịch biển. Ghi nhận tại đường ống thoát nước thôn Long Hải (xã Thạch Kim) nước thải đen ngòm, đóng váng, rác thải nổi lềnh bềnh bốc mùi hôi thối nồng nặc. Những dòng nước thải này được chảy ra từ khu dân cư, sau đó chảy qua kè chắn sóng rồi trực tiếp đổ ra biển tạo thành những vùng nước đọng đen kịt trải dài khoảng 400m dọc bờ biển.
Khu vực cổng nước thải chảy từ khu dân cư ra biển. Điều đáng nói, khu vực vùng nước đọng này sát ngay bãi biển du lịch Xuân Hải (xã Thạch Bằng) là một trong những khu du lịch biển thu hút hàng trăm ngàn lượt khách đến mỗi năm của tỉnh Hà Tĩnh. Mặc dù tình trạng này đã diễn ra nhiều năm qua, tuy nhiên chính quyền địa phương vẫn chưa tìm ra giải pháp nhằm tháo gỡ những khó khăn, trong khi đó những mét khối nước thải đang từng ngày tràn ra ngoài gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường biển, đặc biệt là ngành du lịch biển.
Khu vực nước thải đen kịt, xác cá chết nổi trên mặt nước. Người dân địa phương cho hay, do hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt không đủ đáp ứng nên toàn bộ nước sinh hoạt chưa xử lý đều cho chảy trực tiếp ra cống rồi chảy tràn ra biển. Họ nói, biết như vậy sẽ gây ô nhiễm, ảnh hướng chính đến cuộc sống của người dân, tuy nhiên đây là điều bất đắc dĩ.
“Không xả ra đó thực tế không biết cho chảy ra đâu nữa. Bởi đất chật người đông, trong khi đó đất để làm hệ thống xử lý nước thải thì không có. Trước đây, nước thải sinh hoạt được xả theo hệ thống dẫn nước ra cống chạy thẳng ra biển, nhưng từ khi xây dựng kè chắn sóng, người ta đào đất ngăn cho nước mặn vào thì nước bị ứ lại, bốc mùi hôi thối”, bà Nguyễn Thị Tứ, trú xã Thạch Kim chia sẻ.
Dọc bờ biển nước thải chải tạo thành vũng nước đọng. Theo tìm hiểu, tại xã Thạch Kim có 2.341 hộ và hơn 11.000 nhân khẩu sinh sống trên diện tích chưa đầy 1km. Do đất chật, số lượng người đông trong khi đó hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt chưa đáp ứng đủ nên hàng ngày có đến cả trăm mét khối nước thải sinh hoạt chưa qua xử lý đổ ra môi trường.
Do hệ thống nước thải chưa đồng bộ nên toàn bộ nước sinh hoạt của người dân xả trực tiếp ra biển. Ông Biện Ngọc Cường, Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Kim chia sẻ, trong những năm qua chính quyền địa phương đã lên phương án làm hệ thống giao thông gắn với đường và mương thoát nước nhưng vẫn chưa đồng bộ. Việc để xây dựng công trình xử lý nước thải sinh hoạt sẽ rất khó bởi hiện tại quỹ đất ở địa phương không còn vì thế phần lớn các hộ dân đều phải xả nước thải ra ngoài biển.
Nước thải chảy dọc bờ biển nhìn từ trên cao. “Hiện nay toàn xã có hơn 11 nghìn nhân khẩu nhưng diện tích đất ở lại chưa đến 1km, chính vì nguồn vốn quỹ đất không có nên để xây dựng thể thống xử lý nước thải rất khó. Trước đây nước thải chủ yếu chảy ra hố đào sẵn rồi thấm xuống lòng đất, sau một thời gian lòng đất không thể thấm nổi dẫn đến tình trạng quá tải”, ông Cường chia sẻ. Cũng theo ông Cường, hiện nay tại địa bàn xã chỉ có hệ thống xử lý nước thải của cụm công nghiệp Thạch Kim nhưng hệ thống này chỉ xử lý nước thải cho khu vực cụm..