TP.HCM: Cần hơn 101.000 tỷ đồng để chống ngập và xử lý nước thải cho 4 năm tới: Theo Sở Xây dựng TP.HCM để thực hiện giải pháp công trình nói trên, cần nhu cầu vốn khoảng 101.408,042 tỷ đồng. Trước đó, trong giai đoạn 2016 – 2020, các dự án thuộc chương trình chống ngập đã được giao 28.465 tỷ đồng, trong khi nhu cầu vốn là 96.527 tỷ đồng. Theo Sở Xây dựng TP.HCM, mức giải ngân này chỉ đạt tỷ lệ 29,5%.
TP.HCM: Cần hơn 101.000 tỷ đồng để chống ngập và xử lý nước thải cho 4 năm tới
Ngày 11/5, Sở Xây dựng TP.HCM vừa có báo cáo “khẩn” gửi UBND TP.HCM báo cáo kế hoạch thực hiện chương trình giảm ngập nước giai đoạn 2021 – 2025.Theo đó, có 2 nhóm giải pháp để chống ngập và xử lý nước thải: Thứ nhất là nhóm giải pháp phi công trình: Tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân, điều chỉnh quy hoạch… Thứ hai là nhóm giải pháp công trình: Tập trung đẩy nhanh triển khai thực hiện các dự án trọng điểm như: Hoàn thành dự án Giải quyết chống ngập do triều khu vực TP.HCM, có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (Giai đoạn 1); dự án Xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương – Bến Cát – rạch Nước Lên; dự án cải tạo hệ thống thoát nước mưa và nước thải TP.HCM; dự án Nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng rạch Xuyên Tâm; dự án Cải tạo kênh Hy Vọng; Cải tạo các trục tiêu thoát nước chính.
Bên cạnh đó là các dự án giải quyết 18 tuyến đường trục chính bị ngập như: Nguyễn Hữu Cảnh, Tân Quý, Ba Vân, Trương Công Định, Bàu Cát, Thảo Điền, Quốc Hương, Nguyễn Văn Hưởng, Lê Đức Thọ, Quang Trung, Nguyễn Văn Khối, Đặng Thị Rành, Dương Văn Cam, Kha Vạn Cân, Bạch Đằng, Quốc lộ 1A, Phan Anh, Hồ Ngọc Lãm.
Xây dựng hệ thống các nhà máy xử lý nước thải cụ thể: Dự án Vệ sinh môi trường lưu vực Nhiêu Lộc – Thị Nghè (Giai đoạn 2); Hoàn thành dự án Cải tạo Môi trường nước Giai đoạn 2; tổ chức kêu gọi đầu tư xây dựng các nhà máy xử lý nước thải còn lại.
Theo Sở Xây dựng TP.HCM để thực hiện giải pháp công trình nói trên, cần nhu cầu vốn khoảng 101.408,042 tỷ đồng. Trước đó, trong giai đoạn 2016 – 2020, các dự án thuộc chương trình chống ngập đã được giao 28.465 tỷ đồng, trong khi nhu cầu vốn là 96.527 tỷ đồng. Theo Sở Xây dựng TP.HCM, mức giải ngân này chỉ đạt tỷ lệ 29,5%.
Tuy vậy, kết quả đạt được theo Sở Xây dựng TP.HCM đánh giá đã hạn chế tình trạng ngập nước gây ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân; góp phần cải thiện điều kiện sống của nhân dân thành phố, đảm bảo lưu thông cho các phương tiện tham gia giao thông, tính tới thời điểm hiện tại nhiều tuyến đường được xem là “rốn ngập” như: Vòng xoay Cây Gõ, đường 3 Tháng 2, Xô Viết Nghệ Tĩnh… đã không xuất hiện tình trạng ngập nước.