Giải đáp thắc mắc về khử trùng nước & lọc nước của người dùng

Giải đáp thắc mắc về khử trùng nước & lọc nước của người dùng: Nước ngầm: nước tồn tại ttrong lớp đất đá từ mặt đất trở xuống (nước giếng khoan, giếng đào). Nước ngầm đánh giá theo QCVN 09:2008/BTNMT ban hành kèm theo Quyết định số 16/2008/QĐ-BTNMT ngày 31/12/2008 của Bộ Tài nguyên và Môi trường

Giải đáp thắc mắc về khử trùng nước & lọc nước của người dùng

Giải đáp thắc mắc về khử trùng nước & lọc nước của người dùng

1. Có bao nhiêu nguồn nước thiên nhiên có thể khai thác để sử dụng ?

Nước mặt (sông, suối, kênh, rạch, ao, hồ…), nước ngầm (giếng đào, giếng khoan), nước mưa.
Đối với nguồn nước nào trước khi đưa vào sử dụng cũng phải xử lý tùy theo mục đích sử dụng.

2. Nước mặt là nước nguồn nước nào, tuân theo quy các tiêu chuẩn nào ?

Nước mặt: nước sông, suối, kênh, rạch, ao, hồ, kênh, mương…Nước mặt đánh giá theo QCVN 08:2008/BTNMT ban hành kèm theo Quyết định số 16/2008/QĐ-BTNMT ngày 31/12/2008 của Bộ Tài nguyên và Môi trường

3. Nước ngầm là nguồn nước nào, tuân theo các tiêu chuẩn nào ?

Nước ngầm: nước tồn tại ttrong lớp đất đá từ mặt đất trở xuống (nước giếng khoan, giếng đào). Nước ngầm đánh giá theo QCVN 09:2008/BTNMT ban hành kèm theo Quyết định số 16/2008/QĐ-BTNMT ngày 31/12/2008 của Bộ Tài nguyên và Môi trường

4. Chất lượng nước ngầm và nước mặt, nước nào tốt hơn ?

Nước ngầm thường có chất lượng tốt hơn nước mặt do nước ngầm được khai thác từ các tầng chứa nước dưới đất nên ít chịu ảnh hưởng bởi các tác động của con người.

5. Nước ngầm mạch nông và nước ngầm mạch sâu, nước nào tốt hơn ?

Nước ngầm mạch nông ở độ sâu từ 3 đến 10 mét, loại này thường bị nhiễm bẩn nhiều, trữ lượng ít và chịu ảnh hưởng bởi thời tiết. Nước ngầm mạch sâu trên 20 mét chất lượng tốt hơn, trữ lượng nước phong phú hơn so với nước ngầm mạch nông.

6. Thế nào là giếng đào hợp vệ sinh ?

Căn cứ Quyết định số 2570/QĐ-BNN-TCTL ngày 22/10/2012 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc phê duyệt Bộ chỉ số và tài liệu hướng dẫn triển khai công tác theo dõi, đánh giá Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn thì:

  • – Giếng đào phải nằm cách nhà tiêu, chuồng gia súc hoặc nguồn gây ô nhiễm khác ít nhất 10m.
  • – Thành giếng cao tối thiểu 0,6m được xây bằng gạch, đá và thả ống buy sâu ít nhất 3 m kể từ mặt đất (ống buy là ống bê tông tương tự ống cống, được đặt thẳng đứng).
  • – Sân giếng phải làm bằng bê tông hoặc lát gạch, đá, không bị nứt nẻ.

7. Thế nào là giếng khoan hợp vệ sinh ?

Căn cứ Quyết định số 2570/QĐ-BNN-TCTL ngày 22/10/2012 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc phê duyệt Bộ chỉ số và tài liệu hướng dẫn triển khai công tác theo dõi, đánh giá Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn thì:
– Giếng khoan phải nằm cách nhà tiêu, chuồng gia súc hoặc nguồn gây ô nhiễm khác.
– Sân giếng khoan phải làm bằng bê tông hoặc lát gạch, đá, không bị nứt nẻ.

8. Nước mưa có sạch hay không ?

Bản chất nước mưa là rất sạch. Tuy nhiên, nước mưa có thể bị ô nhiễm bởi khói, bụi, vi khuẩn có trong không khí và hệ thống mái nhà, máng thu gom dẫn về bể chứa nên đến khi sử dụng, nước mưa không hoàn toàn sạch (thậm chí chứa cả phân chim, phân mèo… ở trên hệ thống mái nhà, máng thu gom).

9. Nước mưa có thể sử dụng cho mục đích gì ?

Nước mưa có thể sử dụng cho mục đích sinh hoạt. Đối với những vùng khan hiếm nước, có thể tận dụng nước mưa để ăn uống, tuy nhiên cần phải có biện pháp bảo quản và xử lý nước mưa trước khi sử dụng để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

10. Sử dụng nước mưa như thế nào để đảm bảo an toàn cho sức khỏe ?

Thu hứng nước mưa cần tránh những cơn mưa đầu mùa. Vệ sinh sạch sẽ máng thu nước mưa, bể chứa nước dự trữ, đậy kín bể chứa nước mưa tránh bụi bẩn và côn trùng, vật lạ rơi vào bể chứa. Đun sôi nước 1000C trong 15 phút trước khi sử dụng cho ăn uống.

11. Nước sông có sử dụng được không ?

Nước sông có thể sử dụng và khai thác dễ dàng. Tuy nhiên, do tác động của con người, nguồn nước sông có thể bị ô nhiễm (từ công nghiệp, nông nghiệp, sinh hoạt…). Tùy vào mục đích sử dụng (ăn uống, sinh hoạt), cần có biện pháp xử lý phù hợp để đảm bảo an toàn sức khỏe cho người sử dụng.

12. Tắm, bơi lội dưới sông có ảnh hưởng đến sức khỏe hay không ?

Nguồn nước sông hiện nay đang bị ô nhiễm do các hoạt động xả thải chất bẩn của con người. Do đó, việc tắm sông có thể làm người tắm bị lây nhiễm các bệnh về da, mắt, tai mũi họng, viêm mão, bệnh truyền qua đường phân miệng như tả, thương hàn, tiêu chảy…

13. Nước khoáng được khai thác từ đâu ?

Nước khoáng được khai thác từ tầng sâu dưới đất hay từ các suối phun trào từ lòng đất. Sau khi qua xử lý, nước được đóng chai để cung cấp cho người sử dụng.

14. Nước khoáng có phải là nước ngầm hay không ?

Nước khoáng là một dạng của nước ngầm, nhưng khi xử lý, nhà cung cấp nước sẽ lựa chọn giữ lại hoặc loại bỏ một số chất trong nước ở nồng độ dành riêng cho ăn uống và chữa bệnh, khác với xử lý nguồn nước ngầm xử lý cho sinh hoạt thông thường.

15. Dấu hiệu nhận biết nước bị nhiễm phèn ?

Nước nhiễm phèn thực chất là nước đã bị nhiễm sắt (Fe). Nước có vị chua, có mùi tanh; làm ố vàng quần áo, vòi nước và dụng cụ chứa.

16. Tôi ở huyện Bình Chánh, sử dụng nước giếng khoan dùng để ăn uống, sinh hoạt rất lâu năm nhưng không qua hệ thống lọc. Nước không trong, ngửi có mùi tanh, các thiết bị trong nhà vệ sinh ngả màu vàng. Xin hướng dẫn cho tôi cách xử lý nguồn nước đó ? Có thể dùng vỉ inox bán kính 0,5m, đục lỗ nhỏ đều trên bề mặt sau đó bơm nước giếng thô cho chảy trên vỉ inox, cách vỉ inox 1 mét đặt 1 thùng chứa lớn/ hồ chứa để hứng nước từ vỉ inox chảy xuống.

Sau đó cho nước đó chảy qua bể lọc gồm: 1 lớp cát (dày 25-30cm), 1 lớp than hoạt tính (dày 10cm), 1 lớp sỏi nhỏ (dày 10cm). Nước sau khi qua bể lọc sẽ trong, không còn mùi tanh.
Tuy nhiên, nếu cho nước chảy qua 1 lần mà nước vẫn còn có mùi tanh, thì chị có thể cho nước chảy qua vỉ inox và bể lọc thêm 1 lần nữa.

17. Tôi ở huyện Bình Chánh, sử dụng nước giếng khoan dùng để ăn uống, tắm giặt hàng ngày. Không biết nguồn nước sử dụng có an toàn cho sức khỏe không vì gia đình có trẻ con. Tôi nghe nói trong nước có Amoni sẽ gây ung thư. Gia đình tôi phải làm gì để lọc chất đó ? Để biết trong nguồn nước có Amoni hay không phải lấy mẫu đó gửi mẫu xét nghiệm. Bạn có thể liên hệ với Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM (0938 060 869) để biết thêm về việc xét nghiệm nước.

Có nhiều phương pháp để xử lý amoni trong nước, tuy nhiên, đối với các phương pháp xử lý amoni cần nhiều công đoạn, hóa chất và kỹ thuật phức tạp, chi phí xử lý cao; không thể áp dụng bằng các phương pháp đơn giản như lắng lọc, giàn mưa. Có thể liên hệ các Công ty chuyên về xử lý nước để được tư vấn lựa chọn thiết bị lọc nước để đạt hiệu quả.

18. Khử trùng nước là gì ? Khử trùng nước có nghĩa là loại bỏ hoặc giết chết các vi sinh vật gây bệnh. Vi sinh vật sẽ bị phá hủy hoặc ngừng hoạt động, từ đó sẽ chấm dứt sự tăng trưởng và sinh sản. Tuy nhiên, trong quá trình khử trùng tất cả các vi sinh vật sẽ bị loại bỏ kể cả vi sinh vật có hại và vô hại. Phương pháp khử trùng thông thường nhất và đơn giản nhất mà các hộ gia đình có thể làm được là đun sôi.

19. Cơ chế khử trùng như thế nào ?
Khử trùng xảy ra trên cơ chế: Các thành tế bào của vi sinh vật bị ăn mòn hoặc thay đổi tính thấm qua màng, hoặc thay đổi hoạt động của enzym. Những thay đổi trong tế bào của vi sinh vật là nguyên nhân làm vi sinh vật không thể nhân rộng và chết dần. Quá trình oxy hóa do chất khử trùng gây ra sẽ phá hủy các chất hữu cơ trong nước từ đó gây thiếu nguồn thức ăn cho vi sinh vật cũng là nguyên nhân gián tiếp tiêu diệt chúng.

20. Các phương pháp khử trùng nước

Một số phương pháp khử trùng nước hay sử dụng:
– Khử trùng bằng nhiệt,
– Khử trùng bằng chlorine (Cl2),
– Khử trùng bằng ozon (O3),
– Khử trùng bằng tia cự tím (tia cực tím UV),
– Khử trùng bằng ion.

Related Posts