Công nghệ xử lý nước mưa thành nước uống đảm bảo an toàn vệ sinh: Cùng với sự phát triển của nền công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chất lượng nước ngày càng suy giảm, đặc biệt là nước mưa ngày càng bị ô nhiễm do khí thải (từ phương tiện giao thông, nhà máy, chất hóa học bay hơi). Ngoài ra nước mưa còn bị ô nhiễm do bụi bẩn và các vi khuẩn trong không khí, mái nhà hay các dụng cụ hứng và chứa nước. Việc tận dụng nước mưa để sử dụng là biện pháp hữu hiệu khi lượng nước ngọt phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất của con người ngày càng cạn kiệt, tuy nhiên, chất lượng nước mưa hiện nay không đảm bảo, cần có biện pháp xử lý trước khi đưa vào sử dụng.
Công nghệ xử lý nước mưa thành nước uống đảm bảo an toàn vệ sinh
Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam (WHO Việt Nam) và Trường Đại học Quốc gia Seoul (Hàn Quốc) hợp tác với Cục Quản lý Môi trường Y tế (QLMTYT) trong việc xây dựng một hệ thống thu hồi và xử lý nước mưa thành nước uống phục vụ cơ sở y tế. Sự hợp tác này nhằm hỗ trợ Bộ Y tế nâng cao dịch vụ quản lý nước sạch, vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân và quản lý chất thải y tế trong cơ sở y tế.
Trên cơ sở hợp tác này, hệ thống thí điểm thu hồi và xử lý nước mưa thành nước uống đã được WHO Việt Nam, Trường Đại học Quốc gia Seoul và Cục QLMTYT xây dựng và chính thức bàn giao cho Bệnh viện huyện Lý Nhân tỉnh Hà Nam ngày 30/8/2019.
Với hướng dẫn WASH-FIT, các cơ sở y tế sẽ có được một công cụ hữu hiệu để cải thiện nước sạch, vệ sinh, môi trường (NSVSMT) phục vụ các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản đối với cán bộ y tế và người bệnh. Để các cơ sở y tế thực hiện Kế hoạch triển khai cơ sở y tế Xanh-Sạch-Đẹp của Bộ Y tế, hướng dẫn WASH-FIT là một công cụ hết sức cần thiết.
“Việc cải thiện liên tục các hệ thống NSVSMT là hết sức quan trọng trong các cơ sở, đặc biệt là các cơ sở y tế. Việc thiếu các trang thiết bị NSVSMT ảnh hưởng không tốt đến chất lượng chăm sóc y tế và những cố gắng trong việc tăng cường kiểm soát và phòng ngừa nhiễm khuẩn. Tăng cường đầu tư là hết sức quan trọng nhằm đảm bảo đạt được các mục tiêu đề ra trong lĩnh vực này, và chúng tôi hoan nghênh sự hỗ trợ của các cơ quan, tổ chức như Trường Đại học Quốc gia Seoul khi tham gia cùng chúng tôi chung tay với chính phủ Việt Nam trong việc cải thiện các hệ thống NSVSMT trong cơ sở y tế trên phạm vi toàn quốc” – Tiến sỹ Kidong Park, Trưởng đại diện của WHO tại Việt Nam phát biểu.
“Chúng tôi đã và đang xây dựng các hệ thống thu hồi và xử lý nước mưa thành nước uống cho một số cơ sở ở Việt Nam như trường học và cộng đồng – tuy nhiên đây là lần đầu tiên, chúng tôi triển khai hỗ trợ tại một cơ sở y tế. Khi bàn giao trang thiết bị này cho Bộ Y tế, chúng tôi hy vọng sẽ được thấy hệ thống trang thiết bị này được áp dụng và triển khai nhân rộng trong các cơ sở y tế trên phạm vi toàn quốc.
Trường Đại học Quốc gia Seoul rất tự hào là một đối tác của Bộ Y tế và của WHO Việt Nam trong sáng kiến này, và chúng tôi rất mong muốn được tiếp tục hợp tác trong thời gian tới” – Giáo sư Mooyoung Han, Giám đốc Trung tâm Quản lý nước bền vững của Trường Đại học Quốc gia Seoul phát biểu. Theo Báo cáo Nước sạch và Vệ sinh môi trường trong cơ sở y tế – Báo cáo toàn cầu dữ liệu cơ sở năm 2019, tính đến năm 2016, chỉ 51% các cơ sở y tế ở Việt Nam sử dụng nguồn nước được cải thiện.
Nước mưa là nước miễn phí, được sử dụng trong các hoạt động: tưới tiêu, làm vườn, xả bồn cầu, giặt quần áo, rửa xe, lau nhà,…Khi có phương pháp lọc thích hợp có thể sử dụng cho ăn uống. Do đó, sử dụng nước mưa giúp tiết kiệm nguồn nước cũng như chi phí cho người sử dụng. Hệ thống hứng và lọc nước mưa là phương pháp hữu hiệu để xử lý nước, cung cấp một phần nước sinh hoạt miễn phí cho con người. Đặc biệt, tại các khu vực khan hiếm nước sạch vào mùa khô, dây là giải pháp hiệu quả, tốn ít chi phí mà vẫn đáp ứng được nhu cầu sử dụng cho người tiêu dùng.