Các nhà máy xử lý nước thải ở TP.HCM đang hoạt động như thế nào? Hai nhà máy này chỉ xử lý được khoảng 13% lượng nước thải trên toàn địa bàn TP. Số lượng nước thải còn lại chưa được xử lý thải thẳng ra môi trường. Năm 2010, Thủ tướng có quyết định điều chỉnh quy hoạch. Theo đó, đến năm 2025 TP.HCM sẽ có 12 nhà máy xử lý nước thải có công suất gần 3 triệu m3 nước/ngày.
Table of Contents
Các nhà máy xử lý nước thải ở TP.HCM đang hoạt động như thế nào?
Người dân TP.HCM có phải đóng phí chống ngập không? TP.HCM đã thu phí xử lý nước thải từ nhiều năm nay, các nhà máy xử lý nước thải ở TP.HCM đang hoạt động như thế nào và vì sao nước thải vẫn phải đổ ra sông?
Xử lý nước thải: giậm chân tại chỗ
Theo quy hoạch 752 (năm 2001) của Thủ tướng, TP.HCM chia làm 9 lưu vực thoát nước với 9 nhà máy xử lý nước thải. Mãi đến năm 2008, TP.HCM mới khánh thành được nhà máy xử lý nước thải đầu tiên là Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng với tổng công suất 141.000m3/ngày. Sau đó là trạm xử lý nước thải Bình Hưng Hòa với công suất xử lý 30.000m3/ngày đêm xử lý nước thải cho mạng phía tây TP.
Hai nhà máy này chỉ xử lý được khoảng 13% lượng nước thải trên toàn địa bàn TP. Số lượng nước thải còn lại chưa được xử lý thải thẳng ra môi trường. Năm 2010, Thủ tướng có quyết định điều chỉnh quy hoạch. Theo đó, đến năm 2025 TP.HCM sẽ có 12 nhà máy xử lý nước thải có công suất gần 3 triệu m3 nước/ngày. Trong đó, các nhà máy có công suất lớn tập trung ở lưu vực kênh Tàu Hủ – kênh Bến Nghé – kênh Đôi – kênh Tẻ; lưu vực Nhiêu Lộc – Thị Nghè; lưu vực Đông Sài Gòn; lưu vực Tân Hóa – Lò Gốm; lưu vực Tham Lương – Bến Cát…
Hiện TP đã có thêm 2 dự án – Nhà máy xử lý nước thải Tham Lương – Bến Cát công suất 131.000m3/ngày đã hoàn thành năm 2018 và dự án Vệ sinh môi trường TP lưu vực Nhiêu Lộc – Thị Nghè. Tuy vậy, do việc đầu tư thiếu đồng bộ nên dù có dự án đã hoàn thành hoặc hoàn thành được giai đoạn 1 nhưng vẫn chưa xử lý được nước thải. Vì vậy, hơn chục năm qua tỉ lệ xử lý nước thải trên địa bàn TP.HCM gần như giậm chân tại chỗ.
Dự án Vệ sinh môi trường TP lưu vực Nhiêu Lộc – Thị Nghè giai đoạn 1 được khánh thành năm 2012. Toàn bộ lượng nước thải của khoảng 1,2 triệu người ở 7 quận ven kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè được thu gom vào tuyến cống bao dài hơn 8km đưa về trạm bơm trên đường Nguyễn Hữu Cảnh (Q.Bình Thạnh). Tuy nhiên, do chưa xây dựng nhà máy xử lý nước thải nên toàn bộ nước thải trên bơm trở lại sông Sài Gòn để pha loãng ô nhiễm.
Việc triển khai dự án Vệ sinh môi trường TP giai đoạn 2 (xây nhà máy xử lý) bị chậm trễ 5 năm vì thiếu vốn đầu tư. Mãi đến năm 2017 dự án mới được khởi công với tổng mức đầu tư khoảng 524 triệu USD. Ngoài xây dựng nhà máy xử lý nước thải thành nước sạch có công suất 480.000m3/ngày, còn thêm khoảng 8km tuyến cống bao thu gom nước thải cho khu vực Q.2. Dự kiến quý 4-2020 nhà máy xử lý nước thải khởi công xây dựng và sẽ hoàn thành vào tháng 4-2023.
Như vậy nước thải ở lưu vực kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè sẽ còn tiếp tục đổ ra sông Sài Gòn trong 3 năm nữa. Bi kịch hơn là Nhà máy xử lý nước thải Tham Lương đặt tại Q.12 được đầu tư 1.900 tỉ đồng đã hoàn thành xây dựng vào năm 2018 lại “trùm mền” vì chưa có hệ thống cống thu gom nước thải.
Cần thêm hàng chục ngàn tỉ đồng
TP.HCM đã thực hiện thu phí nước thải (phí bảo vệ môi trường qua nước thải, được thu 10%/m3 nước sạch), nguồn tiền này bao nhiêu, dùng làm gì, có bù đắp đầu tư xây dựng các dự án xử lý nước thải không? Đại diện Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH MTV (Sawaco) cho biết mức phí sẽ là 10% tiền nước sạch. Sawaco thu hộ loại phí này kèm theo tiền sử dụng nước hằng tháng. Chi phí thu được nộp lại Sở Tài chính TP.HCM đưa vào ngân sách TP.
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, chi phí thu được từ phí nước thải cũng chẳng thấm tháp vào đâu so với suất đầu tư quá lớn của một dự án xử lý nước thải. Theo Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP.HCM, tổng chi phí cho hoạt động duy tu, bảo trì… thoát nước giai đoạn 2016-2020 của TP ước tính hơn 5.900 tỉ đồng. Riêng năm 2017, chi phí chi cho hoạt động này khoảng 948 tỉ đồng, trong khi tiền thu được từ phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt chỉ khoảng 414 tỉ đồng.
Khoản chi phí này vẫn chưa đủ “bù đắp” để thực hiện công tác duy tu hệ thống thoát nước, chưa nói tới việc đầu tư các dự án xử lý nước thải. Từng có ý kiến cần phải tăng mức phí xử lý nước thải nhằm có thêm nguồn thu để đầu tư hoặc thu hút nguồn xã hội hóa vào lĩnh vực xử lý nước thải, nhưng vấn đề này vẫn đang bàn thảo.